Tổng quan về bệnh ung thư thực quản, cách chẩn đoán và điều trị bệnh

Nếu bạn đang được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản và chưa hiểu rõ về loại bệnh này như thế nào thì hãy theo dõi hết bài viết dưới đây. Bác sĩ Trần Cảnh – chuyên gia chuyên gia chẩn đoán, can thiệp ung thư sớm tại Việt Nam sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc về bệnh tình cũng như phương pháp điều trị bệnh.

Tổng quan về bệnh ung thư thực quản


Thực quản là một ống tiêu hóa thuộc đường tiêu hóa trên, cơ quan này có chức năng đưa thức ăn và đồ uống từ họng xuống dạ dày. Ở người trưởng thành thực quản dài khoảng 25cm. Các tuyến của thực quản chế tiết các chất nhầy giúp đưa thức ăn xuống dạ dày dễ dàng hơn.

Ung thư thực quản (UTTQ) là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô thực quản, gồm hai loại: Biểu mô vảy và biểu mô tuyến. Ung thư thực quản đoạn 1/3 trên và 1/3 giữa giữa hầu hết là ung thư biểu mô vảy. Đoạn 1/3 dưới hay gặp ung thư biểu mô tuyến.

benh-ung-thu-thuc-quan
Ung thư thực quản (UTTQ) là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô thực quản

Tuy nhiên, có sự khác nhau về mặt dịch tễ học giữa các nước châu Á và các nước Âu – Mỹ. Ở các nước Âu – Mỹ phần lớn ung thư thực quản (hơn 50%) là ung thư biểu mô tuyến và là hậu quả của viêm thực quản do trào ngược kéo dài. Còn ở các nước châu Á như Việt Nam có tới 95% ung thư thực quản là biểu mô vảy và gặp chủ yếu ở đoạn thực quản 1/3 giữa (60%). Theo Globocan năm 2020 trên toàn thế giới có hơn 600.000 ca mới mắc và hơn 540.000 ca tử vong do ung thư thực quản. Tại Việt Nam có trên 3000 ca mắc mới và tử vong do ung thư thực quản mỗi năm.

Triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh ung thư thực quản

Giai đoạn sớm các triệu chứng không đặc hiệu, thỉnh thoảng có nuốt vướng hoặc không có bất kì triệu chứng gì. Rất nhiều bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn này nhờ đi khám định kì hoặc tình cờ qua nội soi thực quản.

Ở giai đoạn muộn hơn, tuốt nghẹn tăng dần là triệu chứng thường gặp, thường tiến triển từ từ sau 3 – 4 tháng. Ngoài ra bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng khác như:

  • Đau khi nuốt: thường gặp, đau sau xương ức.
  • Các triệu chứng phối hợp khác như ợ hơi, nôn mửa, tăng tiết nước bọt, sặc cũng có khi là triệu chứng hoặc biến chứng của rò thực – khí phế quản.
  • Các dấu hiệu tiến triển, xâm lấn:
  • Chảy máu thực quản: biểu hiện nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
  • Ho dai dẳng: do rò thực – phế quản.
  • Nói khó: do xâm lấn dây thần kinh quặt ngược thanh quản.
  • Chèn ép tĩnh mạch chủ trên.
  • Chảy máu dữ dội do ung thư thực quản xâm lấn vào động mạch chủ.

Ở giai đoạn đã di căn sẽ có các triệu chứng của cơ quan mà bệnh di căn tới như tràn dịch màng phổi ác tính, gan to, hạch cổ, đau xương, đái máu… Triệu chứng toàn thân có thể gặp: gầy sút trên 90% bệnh nhân, da sạm, khô do thiếu dinh dưỡng lâu ngày, thiếu máu, mệt mỏi.

Do đó khi có các yếu tố nguy cơ bạn nên đi khám định kì theo hướng dẫn của bác sĩ để được kiểm tra và nếu có bất thường sẽ được xử trí sớm nhất có thể.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh

Hút thuốc lá là yếu tố nguy chính của ung thư biểu mô vảy thực quản và viêm thực quản trào ngược là yếu tố nguy cơ chính của ung thư biểu mô tuyến. Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ khác gây ra bệnh ung thư thực quản như:

nguy-co-gay-ung-thu-thuc-quan
Hút thuốc lá nhiều có nguy cơ cao bị ung thư thực quản
  • Uống rượu
  • Tổn thương thực quản do bỏng
  • Béo phì
  • Co thắt tâm vị
  • Tiền sử bệnh tật: Các bệnh nhân bị các bệnh ung thư vùng đầu mặt cổ có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư thứ hai ở vùng này trong đó có ung thư thực quản

Các type ung thư thực quản

Loại tế bào trong khối u quyết định type ung thư thực quản. Các type ung thư thực quản bao gồm:

  • Ung thư biểu mô vảy: là loại ung thư xuất phát từ biểu mô vảy của thực quản. Là loại ung thư thường gặp hơn trong tổn thương ác tính của thực quản.
  • Ung thư biểu mô tuyến: loét thực quản kéo dài làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản.Tổ chức ở đáy thực quản có thể bị hoại tử nếu dịch vị dạ dày thường xuyên bị trào ngược lên thực quản hay gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào ở thực quản thay đổi nhiều và bắt đầu trở nên giống các tế bào ở dạ dày, đây là một tổn thương tiền ung thư và có thể phát triển thành bệnh ung thư biểu mô tuyến của thực quản

Phương pháp chẩn đoán bệnh

1. Làm xét nghiệm và thủ thuật

Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán ung thư thư thực bao gồm:

Nội soi tiêu hóa trên. Một ống nhỏ chứa một camera rất nhỏ được đưa qua họng và vào trong dạ dày. Bác sĩ có thể tìm kiếm các dấu hiệu của ung thư. Nếu tìm thấy vùng nghi ngờ, bác sĩ có thể bấm sinh thiết để làm giải phẫu bệnh. Đây là phương pháp rất có giá trị trong chẩn đoán, nội soi thực quản ống mềm quan sát trực tiếp hình ảnh khối u. Đồng thời đây cũng là phương pháp sàng lọc và phát hiện sớm ung thư thực quản khi tổn thương còn rất nhỏ và chưa có biểu hiện triệu chứng gì. Nội soi sẽ đánh giá được:

  • Tổn thương: loét, sùi, thâm nhiễm hay kết hợp.
  • Vị trí tổn thương: 1/3 trên, 1/3 giữa hay 1/3 dưới.
  • Đánh giá tính nhu động thực quản: nhu động tốt, nhu động hạn chế, mất nhu động.
  • Mức độ tổn thương: kéo dài theo lòng thực quản, chiếm 1/2 chu vi, 3/4 chu vi, 1/3 chu vi hay toàn bộ chu vi thực quản.
  • Bấm sinh thiết xét nghiệm mô bệnh học

2. Chẩn đoán giai đoạn

Giai đoạn ung thư giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị tốt nhất. Những xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng là:
• Chụp cắt lớp vi tính ngực, bụng
• Xạ hình xương
• Siêu âm hạch vùng cổ kiểm tra
• Nội soi tai mũi họng đánh giá tổn thương phối hợp nếu có
• Siêu âm nội soi thực quản
• Chụp PET/CT đánh giá
Những xét nghiệm khác có thể được sử dụng tùy vào tình trạng và các dấu hiệu nghi ngờ nếu có của bệnh nhân.

Các giai đoạn ung thư thực quản

Ung thư thực quản được chia thành 4 giai đoạn:

cac-giai-doan-cua-benh-ung-thu-thuc-quan
Các giai đoạn ung thư thực quản
  • Giai đoạn I: Ở giai đoạn này, khối u chỉ giới hạn trong lớp niêm mạc hoặc dưới niêm mạc của thực quản. Các tế bào ung thư chưa lan đến hạch lympho kế cận.
  • Giai đoạn II: Giai đoạn này, các tế bào ung thư phát triển sâu hơn, đến lớp cơ thành thực quản. Các tế bào ung thư có thể lan đến một vài hạch lympho kế cận.
  • Giai đoạn III: Ở giai đoạn này, ung thư đã phát triển hết các lớp của thực quản và lan đến các cấu trúc lân cận. Hoặc có thể khối u nhỏ hơn nhưng đã di căn đến nhiều hạch lympho
  • Giai đoạn IV: Khối u đã di căn đến những vị trí, cơ quan khác trong cơ thể.
  • Điều trị: Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, thể trạng sức khỏe và mong muốn của bệnh nhân.

Phẫu thuật cắt bỏ ung thư thực quản

Có 3 phương pháp thường được sử dụng trong phẫu thuật cắt bỏ ung thư thực quản:

  • Khi khối u thực quản được phát hiện ở giai đoạn sớm, chưa xâm lấn, chưa có di căn hạch thì hoàn toàn có thể cắt bỏ toàn bộ tổn thương thành một khối (en bloc) qua nội soi nhờ kĩ thuật cắt tách niêm mạc (ESD) sau khi đã được các bác sĩ nội soi và bác sĩ lâm sàng đánh giá kĩ lưỡng. Đây cũng là kĩ thuật đã và đang được áp dụng thường quy tại bệnh viện K, đem lại hiệu quả cao trong điều trị và nhẹ nhàng cho bệnh nhân.
  • Cắt thực quản tạo hình và vét hạch. Khi tổn thương đã xâm lấn và còn khả năng phẫu thuật thì bệnh nhân có thể được phẫu thuật cắt thực quản và tạo hình lại thực quản mới bằng dạ dày. Đây là một phẫu thuật lớn, tương đối nặng nề và cần bác sĩ phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm.
  • Phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng. Phẫu thuật mở thông dạ dày khi bệnh nhân không ăn uống được và sẽ là đường hỗ trợ cho bệnh nhân khi điều trị hóa chất hoặc tia xạ. Việc mở thông dạ dày có thể tiến hành qua nội soi hoặc mổ mở.
phau-thuat-cat-bo-ung-thu-thuc-quan
Phẫu thuật cắt bỏ ung thư thực quản bằng phương pháp nội soi

Khi tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng hơn, phương pháp phẫu thuật sẽ không còn là lựa chọn tối ưu nhất. Lúc này, các bác sĩ sẽ dựa vào điều kiện sức khỏe của bệnh nhân và tình trạng khối u để chỉ định phương pháp điều trị mới phù hợp như:

  • Xạ trị: Xạ trị có thể được dùng trước phẫu thuật (xạ trị bổ trợ trước) để làm khối u nhỏ lại và có thể phẫu thuật. Xạ trị thường phối hợp với hóa trị. Xạ trị kết hợp với hóa chất cũng là phương pháp điều trị chính khi u không còn khả năng phẫu thuật và chưa có di căn. Trong trường hợp ung thư tiến triển, xạ trị có thể được sử dụng để giảm nhẹ các ảnh hưởng do kích thước khối u hoặc do di căn.
  • Hóa trị: Các hóa chất dùng trong hóa trị liệu sẽ đi khắp cơ thể, và tiêu diệt các tế bào ung thư tại tổn thương ban đầu cũng như các tế bào ác tính đã vượt qua khỏi thực quản. Hóa trị có thể được chỉ định trước phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ) giúp giảm bớt kích thước khối u, để có thể phẫu thuật được. Hóa trị cũng có thể được chỉ định sau phẫu thuật (hóa trị bổ trợ) để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Hóa trị thường phối hợp với xạ trị. Biện pháp này có thể được sử dụng đơn độc đối với những bệnh nhân ung thư tiến triển, giúp giảm nhẹ triệu chứng.
  • Chăm sóc giảm nhẹ: Chăm sóc giảm nhẹ là một chăm sóc y tế đặc biệt nhằm giảm nhẹ đau đớn và những triệu chứng trong khi bệnh nặng. Chăm sóc giảm nhẹ đặc hiệu với từng bệnh nhân, gia đình và từng bác sĩ khác nhau. Chăm sóc giảm nhẹ có thể áp dụng trong khi đang tiến hành các điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị. Khi chăm sóc giảm nhẹ được sử dụng cùng với các điều trị thích hợp khác, bệnh nhân ung thư có thể cảm thấy tốt hơn và kéo dài cuộc sống hơn.

Chung sống cùng bệnh ung thư

Khi bị chẩn đoán ung thư thực quản có thể làm bạn hoảng loạn và lo sợ. Nhưng sau khi trải qua cơn sốc, bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa ung bướu để được tư vấn và hỗ trợ điều trị bằng các cách:

  • Tìm kiếm thông tin đầy đủ để ra quyết định về phương pháp điều trị thích hợp. Hỏi bác sĩ các thông tin về loại ung thư, giai đoạn và các lựa chọn điều trị. Sử dụng những thông tin đó để tìm hiểu thêm về ung thư thực quản, lợi ích và nguy cơ của các phương pháp điều trị.
  • Kết nối với những bệnh nhân ung thư thực quản khác. Tham gia một nhóm các bệnh nhân cùng mắc ung thư. Hoặc giao lưu với họ trên internet để cùng trao đổi các thông tin hữu ích.
  • Sống năng động. Được chẩn đoán ung thư không có nghĩa bạn phải dừng các hoạt động ưa thích của mình. Trong phần lớn thời gian, nếu bạn cảm thấy đủ sức khỏe để làm một việc gì đó thì cứ làm.

Phòng bệnh ung thư thực quản

Với một lối sống lành mạnh bạn không chỉ phòng ngừa được ung thư thực quản mà còn phòng được rất nhiều bệnh ung thư nguy hiểm khác. Do đó, để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản bạn cần:

  • Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên.
  • Cân bằng chế độ ăn uống. Ăn nhiều hoa quả và rau xanh, không nên ăn các loại thực phẩm dễ gây ung thư..
  • Nên cai rượu và dừng hút thuốc và đó là những yếu tố nguy cơ chính gây tổn thương thực quản
  • Hỏi bác sĩ về nguy cơ mắc ung thư của bạn. Khám và tầm soát phát hiện ung thư sớm khi đã tham khảo ý kiến của chuyên gia hoặc bác sĩ của bạn.

Liên hệ ngay với bác sĩ Trần Cảnh để được giải đáp các thắc mắc về bệnh ung thư thực quản nói riêng và ung thư đường tiêu hóa nói chung. Hoặc bạn có thể đặt lịch khám với bác sĩ bằng những cách sau:

Thông tin liên hệ:

Website: Drcanh.vn

Fanpage: Bác sĩ Trần Cảnh – Bệnh viện K Trung ương

Hotline: 024.7300.1022

Email: [email protected]

0 0 Số lượt bình chọn
Article Rating
Theo dõi
Thông báo
guest
3 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
xem toàn bộ phản hồi
trackback

[…] Ung thư thực quản (UTTQ) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 6 trong các loại ung thư. Ở Việt Nam UTTQ có tỷ lệ mắc mới đứng thứ 15 và tỷ lệ tử vong đứng thứ 11, hàng năm có khoảng hơn 2000 ca mắc mới và là ung thư có tiên lượng xấu nhất trong các ung thư của đường tiêu hoá. Bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn khi tổn thương đã xâm lấn, lan rộng và đã có di căn, không được điều trị tại chỗ và triệt căn dẫn tới tỷ lệ sống sau 5 năm và chất lượng sống của bệnh nhân thấp. […]

trackback

[…] >>>Xem thêm: Tổng quan về bệnh ung thư thực quản, cách chẩn đoán và điều trị bệnh […]

trackback

[…] Tương tự như tầm soát ung thư sớm, tầm soát ung thư ống tiêu hóa nhằm tìm kiếm, phát hiện các tế bào có nguy cơ tạo thành ung thư tại các bộ phận thuộc ống tiêu hóa. Tiêu biểu nhất là giúp phát hiện ra vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày, phát hiện polyp đại trực tràng gây ung thư đại tràng, các biểu mô gây ung thư thực quản,… […]