Đánh giá 4 phương pháp can thiệp Polyp đại trực tràng qua nội soi

Ung thư đại trực tràng thường phát triển từ các tổn thương polyp lành tính, qua thời gian dần dần khoảng 10 đến 20 năm trước khi trở thành ung thư. Do vậy can thiệp polyp đại trực tràng để cắt bỏ polyp là một bước quan trọng trong dự phòng và điều trị bệnh lý ung thư đại trực tràng.

Tổng quan về bệnh ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là một trong 5 bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo thống kê của tổ chức GlOBOCAN năm 2018, ung thư đại trực tràng đứng thứ 3 về số ca mới mắc với 1.845.512 ca, chiếm 10.2 %, và là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ 2 sau ung thư phổi với 880.892 ca tương ứng 9.2%. Tại Việt Nam, ước tính năm 2018 có hơn 14 nghìn người mắc mới ung thư đại trực tràng và hơn 7 nghìn trường hợp tử vong vì bệnh này. Tiên lượng trong điều trị ung thư đại trực tràng phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh khi được chẩn đoán.

noi-soi-can-thiep-polyp-dai-truc-trang-moi
Tiên lượng trong điều trị ung thư đại trực tràng phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh khi được chẩn đoán

Những năm gần đây nhờ sự tiến bộ về thiết bị và kỹ thuật nội soi đại trực tràng ống mềm, kết hợp với những chương trình khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm ung thư đại trực tràng trong cộng đồng nên số lượng bệnh nhân có polyp đại trực tràng được phát hiện ngày càng nhiều. Từ đó các kĩ thuật cắt polyp đại trực tràng qua nội soi cũng ngày càng phát triển.

Chẩn đoán nguyên nhân mắc ung thư đại trực tràng

1. Nguyên nhân

  • Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có người bị polyp đại trực tràng và ung thư đại trực tràng là những thông tin có giá trị gợi ý, định hướng và giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán.
  • Tiền sử bản thân: Tại thời điểm thăm khám, mặc dù bệnh nhân hoàn toàn bình thường, nhưng nếu trong tiền sử bản thân có biểu hiện phân lẫn máu thì đó là thông tin rất quan trọng, nó giúp cho thầy thuốc định hướng thăm khám những bệnh lý của hệ thống tiêu hoá trong đó có polyp đại trực tràng.

2. Triệu chứng lâm sàng

  • Phân lẫn máu: Phân lẫn máu là triệu chứng hay gặp nhất. Có thể nhìn thấy máu tươi thành vệt trên khuôn phân, cũng có thể thấy máu tươi loang ra khuôn phân. Nhưng có khi lại thấy phân có nhầy lẫn máu mầu nâu, màu đen hoặc chảy máu lờ lờ như kiểu máu cá.
  • Đại tiện phân lỏng: Đại tiện phân lỏng đôi khi cũng thấy xuất hiện, đi lỏng thất thường, số lần đi lỏng trong ngày không nhiều, có khi không cần điều trị đi lỏng cũng hết.
  • Đau bụng: Đau bụng thỉnh thoảng cũng thấy xuất hiện. Trường hợp polyp quá lớn đã gây ra triệu chứng bán tắc và tắc ruột, lúc đó có biểu hiện đau rất điển hình của cơn đau bán tắc ruột .

3. Trường hợp không thấy triệu chứng lâm sàng

Có nhiều trường hợp hoàn toàn không thấy triệu chứng lâm sàng nhưng vẫn có thể có polyp đại trực tràng. Vì vậy phải hết sức chú ý những trường hợp có tiền sử bản thân và gia đình, đặc biệt là nam giới trên 45 tuổi, khi đó phải dùng các thăm dò để phát hiện và sàng lọc.

4. Soi đại tràng bằng ống mềm

Nội soi đại tràng ống mềm đã được áp dụng khá rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Với sự phát triển không ngừng về kỹ thuật, các thế hệ máy nội soi ra đời ngày càng được trang bị nhiều công nghệ giúp cho việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh ngày càng tốt hơn. Một trong những tiến bộ đó chính là công nghệ hình ảnh dải ánh sáng hẹp Narrow Band Imaging (NBI).

noi-soi-polyp-dai-truc-trang
Hình ảnh nội soi Polyp đại tràng thông thường (A) và dùng NBI (B)

Kỹ thuật nội soi hình ảnh dải ánh sáng hẹp NBI được phát triển bởi hãng OLYMPUS – Nhật Bản. Công nghệ NBI cho phép quan sát các mô với độ chi tiết cao hơn bằng cách giả lập nhuộm màu các mô. Nội soi với dải tần ánh sáng hẹp giúp phát hiện sớm tại đại trực tràng: viêm loét, dị sản, loạn sản, ung thư sớm, phát hiện các polyp và giúp phân biệt polyp lành tính, ác tính; các tổn thương dạng loét nghi ngờ ung thư, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị can thiệp polyp đại trực tràng được kịp thời, nâng cao chất lượng sống và tuổi thọ của người bệnh.

Các phương pháp can thiệp polyp đại trực tràng phổ biến

1. Cắt polyp đại trực tràng qua nội soi bằng LASER

Do chùm tia LASER mảnh nhưng tập trung nên hướng nó đến nơi cần điều trị rất chính xác. Vì vậy dùng LASER để cắt đốt polyp hoặc những phần chân, cuống polyp còn sót lại rất có hiệu quả. Đó là ưu điểm chính của phương pháp điều trị này. Tuy nhiên LASER có những điểm còn hạn chế như: muốn dùng nó an toàn thì tổn thương phải bộc lộ rõ và mặt khác LASER là thiết bị khá đắt tiền vì vậy chưa được ứng dụng rộng rãi.

2. Cắt polyp đại trực tràng qua nội soi bằng điện cao tần

Shinya và Wolff là những người đầu tiên trình bày ứng dụng thòng lọng điện và kìm sinh thiết nóng dùng dòng điện cao tần trong điều trị cắt bỏ polyp đại trực tràng qua nội soi ống mềm. Do tính chất ưu việt nên phương pháp can thiệp polyp đại trực tràng này nhanh chóng được áp dụng rộng rãi với nguyên lý:

Khi thòng lọng điện tiếp xúc với polyp tại đó dòng điện cao tần được chuyển từ điện năng thành nhiệt năng. Quá trình cắt đốt và cầm máu được tạo ra nhờ sự kết hợp giữa nhiệt năng với lực cơ học do thòng lọng xiết chặt.

3. Cắt hớt niêm mạc qua nội soi ống mềm EMR

Nguyên tắc cơ bản của EMR là mở rộng không gian dưới niêm mạc tạo mặt phẳng để cắt bỏ an toàn các polyp đại trực tràng mà không làm tổn thương đến lớp cơ. Lịch sử của kỹ thuật EMR bắt đầu từ năm 1955 khi tiêm lần đầu tiên được sử dụng bởi Rosenberg để tạo ra một mặt phẳng tối ưu cho polyp của sigma và trực tràng. Hiện nay, nội soi cắt hớt niêm mạc cho polyp đại trực tràng trở thành một tiêu chuẩn thực hành để quản lý polyp đại trực tràng trên toàn thế giới.
Kỹ thuật EMR:

Dụng cụ:

  • Các dụng cụ tiến hành soi
  • Dụng cụ cắt: snare, clip cầm máu,
  • Kim tiêm dưới da
  • Chất lỏng tiêm dưới da chuyên dụng

Tổn thương phải được đặt ở vị trí 5 đến 6 giờ , nâng tổn thương bằng dung dịch tiêm phồng tạo cuống sau đó tùy kích thước polyp có thể cắt 1 lần hoặc nhiều lần bằng snare, kẹp clip sau mổ nếu cần.

4. Cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi (ESD)

Cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi (Endoscopic submucosal dissection ESD) là một kĩ thuật cắt mảnh nội soi chuyên biệt. Phương pháp can thiệp polyp đại trực tràng này sử dụng dao kim (needle-type knife) hoặc dao IT (IT-type knife) để lấy bỏ tổn thương bằng cách cắt tách qua vùng dưới niêm mạc. Kĩ thuật này giúp lấy bỏ tầng niêm mạc và tầng dưới niêm mạc nguyên khối trong một mảnh cắt (en bloc), bất kể kích thước của tổn thương.

cat-tach-duoi-niem-mac-qua-noi-soi-ESD
Cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) đại trực tràng

Để tiến hành ESD, đầu tiên, xác định tổn thương và ranh giới tổn thương sử dụng nội soi ánh sáng trắng, nội soi nhuộm màu và nội soi khuếch đại dải tần hẹp. Sau đó thực hiện cắt tách với ba bước cơ bản:

  • Đánh dấu diện cắt bên cách ranh giới tổn thương 3 – 5mm bằng dao kim hoặc APC (argon plasma coagulation)
  • Nâng vùng niêm mạc tổn thương bằng cách tiêm dịch vào tầng dưới niêm mạc tương ứng, sau đó cắt tách niêm mạc với dao IT hoặc dao kim
  • Cắt tách vùng dưới niêm mạc bên dưới tổn thương bằng dao IT hoặc dao kim.

Kết luận

Việc thăm khám, tầm soát và phát hiện sớm polyp, các tổn thương tiền ung thư đại trực tràng là rất quan trọng. Khi phát hiện sớm được các tổn thương này hoàn toàn có thể can thiệp polyp đại trực tràng một cách an toàn hiệu quả qua nội soi, giúp phòng ngừa chủ động được ung thư đại trực tràng trong tương lai.

Đặt lịch khám với bác sĩ Cảnh sớm để được chẩn đoán bệnh kịp thời bạn nhé!

Fanpage: Bác sĩ Trần Cảnh – Bệnh viện K Trung ương

Hotline: 024.7300.1022

Email: [email protected]

Hoặc đăng ký khám trực tuyến tại website: drcanh.vn

0 0 Số lượt bình chọn
Article Rating
Theo dõi
Thông báo
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
xem toàn bộ phản hồi